Hành trình của cuốn niên giám xưa

trích từ Niên Giám của Người Chết (Almanac of the Dead), Leslie Marmon Silko


Thu Uyên dịch


Văn bản gốc:

Silko Leslie Marmon, “Journey of the Ancient Almanac,” in Almanac of the Dead (Simon & Schuster, 1991), 245-253.

Scanned PDF: https://drive.google.com/file/d/1ADy72Zu4S1LXP9ehVGC9PbS_9fKPvbik/view?usp=share_link



Lecha quờ tay xuống bên dưới chồng gối và lôi ra chiếc hộp gỗ từng dùng trữ đạn dược, nay là nơi bà cất những cuốn sổ và mảnh giấy còn sót lại từ bản thảo xưa. Sau liều thuốc, thân thể bà nhẹ như màng không khí dưới vuốt chim ưng. Lecha ghì lưng lên chồng gối và nhắm mắt lại, nghĩ về những con chim ưng đuôi lửa bay liệng rồi vút lên cao, xa rời trang trại. Bà cần một liều thuốc nữa cho chiều nay để dễ dàng đứng lên đi loanh quanh rồi làm việc gì đó ra hồn. Lecha cất giọng gọi Seese. Tuy có thể tự mình di chuyển được, bà vẫn thường thích có người bên cạnh chăm sóc. Nghe nói cô giúp việc nhà bà đã nhanh chóng kết thân với gã trai tới từ New Mexico mà Ferro thuê làm vườn và sửa chữa vặt. Lecha gọi tên Seese một lần nữa rồi nheo mắt đọc số trên chiếc đồng hồ du lịch ở mặt bàn, nhưng mặt đồng hồ hơi khuất nên bà chẳng rõ đã là mấy giờ. Thôi kệ.


Liều thuốc tiêm nhanh chóng giải quyết vấn đề. Lecha cởi bộ đồ ngủ satin xanh dương nhạt rồi khoác lên mình tấm áo choàng caftan trắng, không buồn xỏ giày và bước ra ngoài hiên, ngồi xuống băng ghế dài. Trên tay bà là hộp đạn dược chứa sổ và những mảnh bản thảo. Mỗi mùa trôi qua, chất liệu da của bản thảo lại ngày một khô cong; tới một ngày cuốn niên giám này sẽ không còn hé lộ bất kỳ điều gì cho người muốn thông dịch nó nữa. Khi còn nhỏ, Lecha từng gặng hỏi già Yoeme nhiều lần nhưng già vẫn quyết tâm kín miệng về những cuốn sổ. Già chỉ nói rằng từng trang sách bằng da này được người châu Mỹ làm theo công thức của châu Âu lưu truyền lại. Da lấy từ bụng ngựa rồi ép mỏng, kéo dãn. Các vệt hằn hình bán nguyệt trên sách là vết nhai của giun trong bụng ngựa.


“Một số trang bản thảo đã mất rồi,” già Yoeme hồi tưởng, mắt nhắm hờ, mò mẫm ký ức. “Chúng bị mất trong một cuộc hành trình dài từ phía Nam. Những người cầm theo bản thảo này khi bỏ chạy lánh nạn đã phải vượt qua rất nhiều gian nan. Họ là những thành viên cuối cùng còn sống sót trong bộ tộc, và cũng là những nhân chứng cuối trong loạt thảm sát khốc liệt. Đã có một cuộc tranh cãi lớn nổ ra.”


Họ đắn đo rằng có nên giao cho người khoẻ mạnh nhất sứ mệnh trốn thoát cùng quyển niên giám không, hay là chọn phương án đơn giản hơn - tất cả từ bỏ và cùng nhau nhận lấy cái chết. Dù sao cũng chỉ có vài thành viên cuối cùng trong tộc người này sống sót, còn lại đã chết cả rồi. Quyển niên giám đóng vai trò truyền dạy cho các thành viên trong bộ tộc - nói cho họ biết mình là ai và tới từ đâu qua những câu chuyện. Nếu dân tộc không còn nữa thì quyển niên giám cần được thiêu huỷ cùng thân xác của người trong tộc. Cuộc tranh cãi lớn kéo dài, nhưng cuối cùng lý lẽ của vài kẻ ngoan cường đã chiến thắng. Thế là những thành viên sống sót cuối cùng chọn ra ba cô gái trẻ và một cậu bé để nhận việc cầm quyển niên giám rồi chạy trốn về phía Bắc. Toàn bộ các trang trong niên giám được chia ra làm bốn phần, mỗi đứa trẻ giữ một phần. Đến cuối hành trình, dù chỉ còn duy nhất một đứa thoát chết và an toàn đặt chân được tới miền Bắc, thì ít nhất niên giám cũng vẫn được lưu giữ phần nào. Họ hiểu rằng: chỉ cần một phần niên giám còn tồn tại, chắc chắn tới một ngày dân tộc họ sẽ quay trở lại.


Bốn đứa trẻ đào tẩu về phía Bắc khi quân xâm lược đóng chiếm gần hết các ngôi làng. Người lớn dặn chúng rằng ở phương Bắc, chúng sẽ có nơi trú ẩn và nhận được trợ giúp, vì bộ tộc của họ vẫn còn vài thành viên lưu trú nơi đó. Những người này được dân bản địa của vùng núi cao khô cằn cưu mang. Đây là tin tức lan truyền qua các tay buôn liên tục đi lại giữa hai miền, hay đến làng của họ để mua vẹt và hoa phong lan, rồi bán đá ngọc lam và da hoẵng trắng.

Bốn đứa trẻ rời đi trong đêm, mặc trên người quần áo rách khâu liền với những trang niên giám. Cô chị lớn tuổi nhất cầm theo một con dao bằng đá lửa, còn cậu bé con được giao cho cầm một tấm chăn sờn. Người lớn cũng cảnh báo cho chúng biết: những kẻ cưỡi ngựa và dắt chó mà chúng thấy trên đường đi chính là dân chuyên đi bắt nô lệ, vì thế nhất định phải né ra và tẩu thoát. Mỗi khi đến một ngôi làng mới, phải tìm ra những người không bài dân tị nạn. Ngoài ra, người lớn cũng giải thích cho lũ trẻ về cuốn “sách" mà chúng đang mang trên mình. Cuốn “sách" này lưu trữ toàn bộ thời kỳ mà tộc người của họ đã tồn tại. Những năm tháng ấy vẫn chưa chết, và sớm muộn cũng sẽ quay trở về. Vì thế, bọn trẻ phải giữ gìn cuốn “sách" bằng mọi giá.


“Hành trình của bọn trẻ được kể lại trong mấy cuốn sổ này,” già Yoeme gõ những ngón tay xương lên mặt sổ. “Chúng rời đi trong đêm, vượt một quãng dài tới khi mặt trời mọc, tìm chỗ ngủ tạm chờ mặt trời lặn rồi tiếp tục lên đường. Cả bốn đứa đều còn rất nhỏ. Cô lớn nhất cũng chỉ mười hai tuổi thôi. Chắc vì vậy nên những người chúng gặp trên đường cũng tỏ ý thương hại, và không ai thấy cần báo lên chính quyền về sự xuất hiện của chúng.”


Sau nhiều tuần đi mải miết, những đứa trẻ tiến tới rìa một khu đất mới. Chúng có tìm ra nước uống trên đường, cũng như chia nhau phần nước mang theo trong mấy quả bầu hồ lô, nhưng cơn đói đã bắt đầu rã mềm thân thể. Thế là sáng sớm nọ, cô bé lớn thứ nhì khóc oà lên vì quá đói; bụng em đau quặn không dứt như có mảnh kim loại ghim vào thịt. Dòng nước mắt của em không thuyết phục cô chị cả; cô nói rằng vừa hôm trước, chúng đã được người làm vườn chia cho ăn một ít hạt bí rồi.


Khu đất mới khô cằn, hoang vắng, đầy gờ đá sắc và đồi dốc có rãnh nước cắt ngang. Bọn trẻ hầu như chẳng gặp ai trên đường đi vào, mà nếu có gặp thì họ cũng không dư thức ăn cho chúng. Một người kể lại rằng, quân ngoại xâm phá mùa thu hoạch ở đây hết năm này qua năm khác, tới khi dân không còn hạt giống nào để gieo cho mùa kế tiếp nữa. Xung quanh không có dấu vết của loài thú lớn nào cả, chỉ lèo tèo đôi ba tiếng chim kêu hay chuột, sóc chạy ngang qua; toàn bộ động vật đã bị quân ngoại xâm giết thịt rồi. Lúc này, bọn trẻ đã đi đường rất lâu mà không được ăn một chút thịt nào. Cô chị cả bất chợt nghi ngờ, bắt cô bé thứ nhì vén váy lên; khi em nhất định không nghe, cô giật lấy đuôi váy rồi vạch ra nhìn. Ba đứa trẻ bàng hoàng chứng kiến đường chỉ may đứt, để lộ ra rìa những trang niên giám bị gặm nhấm.


Thì ra trong lúc ba đứa nó ngủ say, cô bé thứ nhì đã bí mật nằm nhai mút phần rìa những trang sách giòn mỏng làm bằng da ruột ngựa. Thế là theo lệnh cô chị cả, ba đứa xông lên tát vào mặt, đá lên người cô bé đói bụng, tới khi em nằm sạp đất mà khóc nức nở. Rồi ba đứa này cũng kiệt sức do đói, lần lượt ngồi xuống đất khóc theo. Lúc bấy giờ, thực ra vẫn chưa có phần thông tin nào trong niên giám bị mất, vì cô bé kia mới chỉ ăn ở rìa các trang sách.


Bọn trẻ tiếp tục đi, băng qua một loạt những ngôi làng hoang còn nguyên đá mài, nồi niêu xoong chảo bị bỏ lại. Chúng men theo đường bờ sông tới ngôi làng tên là “Cái Miệng" có hàng cây bông gòn dày đằng trước đánh dấu. Mọi căn nhà trong làng đều trống hoác, nhưng may mắn thay, chúng tìm được dưới gốc cây bông gòn một mạch nước rỉ ra từ hố do đàn chó sói đào lên. Uống nước xong, lũ trẻ quây lại một góc chuẩn bị nằm ngủ. Đột nhiên chúng nghe thấy tiếng động; có tiếng hát của một người phụ nữ. Giọng hát nghe thật hân hoan làm sao, khiến chúng bối rối và ngạc nhiên. Đó là tiếng hát của người đàn bà lưng gù bị dân làng nơi đây bỏ lại khi họ chạy trốn khỏi quân xâm lược. Người đàn bà di chuyển như nhện bò trên đất, có thể tự đi lại và tìm nước uống, nhưng không còn sức lên núi theo những người khác trong làng.


Bà lão gù mỉm cười, nhanh nhẹn mở lời, nhưng bà nói một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ với bọn trẻ. Không nhận được hồi đáp, bà chỉ biết mỉm cười tiếp rồi vẫy chúng lại gần hơn, về phía bếp lửa bà đang nhóm lên để nấu ăn trước hiên nhà. Bà chỉ tay vào chiếc nồi lớn màu nhọ đen đang sôi lục bục trên bếp. Bên trong có ít lá rau xanh nhìn gần giống dương xỉ, cùng vài loại củ và rễ cây bà đào được từ dưới lòng sông cạn, giờ nổi trên mặt nước sôi, tựa như những cánh tay và cái đầu đã đứt lìa mà lũ trẻ từng thấy trên mặt hồ gần nhà chúng ở miền Nam. Bà lão bước vào trong nhà rồi trở ra, cầm theo chiếc giỏ dẹt đựng đá muối.


Cậu bé con nhanh chóng thiếp đi dưới bóng râm trên bậc thềm. Ba cô gái nhỏ thì còn thức; chúng ngồi tựa lưng vào bức tường đan bằng lau sậy, quan sát người đàn bà lưng gù. Lúc này, bốn đứa trẻ đã rong ruổi suốt nhiều tháng liền trên đường và gặp vô số kiểu người khác nhau, trong đó có những người e dè và lo sợ chúng. Có người sợ rằng bọn trẻ đang bị truy đuổi, và kẻ truy đuổi có thể mò tới gây hại cho mình. Người khác lại lo rằng kiểu dân lánh nạn, lưu lạc bốn phương dễ đem tới điềm chẳng lành. Ba cô bé quan sát kỹ người đàn bà tàn tật hồi lâu rồi thì thầm lẫn nhau. Chúng kết luận: bà lão này đã bị bỏ lại đây mà chờ chết. Bà có vẻ rất vui mừng khi chúng tìm đến, chắc bà đã sống cô độc lâu rồi. Tạm thời, chúng sẽ nghỉ lại nhà bà, chuẩn bị cho chặng cuối cùng vì đường lên núi khá vất vả. Điểm đến của bọn trẻ là một trong những dãy núi phủ xanh phía xa đường chân trời. Đằng nào cũng sắp tới đích, chắc dừng chân nghỉ ngơi một chút cũng không sao.


Bà lão thả một nhúm muối vào nồi canh hầm, điều chỉnh mức lửa, rồi cất tiếng gọi ba cô bé lại. Cô chị cả không hiểu bà nói gì nhưng đoán rằng bà đang tò mò về đích đến của bốn đứa. Thế là cô đi ra giữa khoảng sân rực nắng, một tay che cho mắt đỡ loá, tay kia chỉ về dãy núi xanh kéo dài từ tây sang đông - nơi xa nhất về hướng Bắc mà họ có thể thấy được bằng mắt thường. Bà lão nheo mắt dõi theo phía tay cô chỉ, khẽ khàng bước sợ đánh thức cậu bé con dậy, rồi gật đầu. Mặt trời đã lên cao. Sức nóng ban ngày dần dịu xuống. Dãy núi mờ đi trong tầm nhìn của họ, chỉ còn lại một nền xanh dương rất mỏng.


Khi ba đứa bé đã ngủ say còn bà lão tiếp tục trông nồi canh hầm, cô chị cả vờ lấy cớ đi tiểu trong bụi rậm và lẩn ra ngoài. Trong một góc an toàn, cô khẽ giật đứt mấy đường chỉ khâu trên túi áo kín và ngắm cẩn thận những trang niên giám, dù không thể đọc hiểu chữ viết trong ấy. Sau một hồi đắn đo, rờ tay theo viền trang sách cứng và hằn nếp gấp, cô quay về bên bếp lửa, nhìn sang phía ba đứa em vẫn còn ngủ say. Rồi cô tiến đến gần nồi canh rau hầm đang sôi bong bóc và thả vào đó một trang sách. Cử chỉ tay của cô nhanh tới mức bà lão không kịp phản ứng. Trang sách mỏng giòn biến dạng trong nồi, màu mực nâu bốc lên thành hơi trắng, viền nét chữ mờ dần rồi bay mất hút như đàn chim nhỏ li ti. Mặt giấy nhấp nhoáng, từng gờ cong dần phẳng lại, và cuối cùng, một tấm da bụng ngựa nổi lên trên miệng nồi. Đó thật sự là nồi canh hầm tuyệt vời. Tất cả đều ăn canh ngon lành và cảm thấy đã bụng, vui sướng trong nhiều ngày liên tiếp. Bọn trẻ đi kiếm thêm nguyên liệu để nấu tiếp nồi canh - đào những củ khoai, củ hành tròn nhỏ vùi dưới lớp cát trắng, trứng kiến và vài loại cây khác theo hướng dẫn của bà lão gù. Tuy tìm kiếm nguồn lương thực không dễ dàng nhưng với sức của bốn đứa cộng lại, năm người họ vẫn đủ no. Sự thực là, nếu không nhờ có chúng, chắc bà lão gù sẽ phải chết đói.


Nhờ nồi canh hầm hảo hạng mà lũ trẻ dần hồi lại sức. Ngoài người chị cả, chỉ có cô bé lớn thứ nhì biết vì sao nồi canh lại ngon như thế; em vẫn ghi nhớ hương vị trang sách mà mình đã ăn từ trước. Rồi một hôm, trong lúc cãi vã và tức giận, em lỡ mồm để lộ ra bí mật cho hai đứa còn lại hay. Nghe chuyện, cậu bé con oà lên khóc. Cậu bảo rằng sẽ không ăn thêm một hớp canh nào nữa, vì nhỡ đâu thứ cậu đang bỏ vào bụng là ghi chép về sự diệt vong của quân xâm lược thì sao? Lỡ trang sách cậu đang nhai lúc này nói về cuộc hội ngộ của những linh hồn đáng thương đã hy sinh thì phải làm thế nào? Lúc này, cô chị cả thừa nhận rằng có lẽ mình đã hơi bất cẩn và để cơn đói xâm chiếm khả năng phán quyết. Bốn đứa trẻ đều thấu hiểu sức tàn phá dữ tợn của cơn đói; chúng đã chứng kiến vô vàn bi kịch hãi hùng trong làng mình ở phía Nam, khi quân xâm lược sát hại rồi bỏ đói cả làng hết tháng này qua tháng khác. Cuối cùng, người chị cả quyết tâm ngừng khóc. Cô nói: “Chị vẫn nhớ nội dung trang sách mà chúng ta đã ăn. Chị nghe người lớn kể lại câu chuyện ấy nhiều lần rồi, bây giờ chị sẽ kể lại nó cho các em. Nếu sau này chị có mệnh hệ gì, ba đứa em phải gìn giữ câu chuyện này cẩn thận.”


Cậu bé con không đồng tình. Theo cậu, quyển niên giám phải được lưu giữ nguyên vẹn, không thiếu sót một trang nào cả. Nhưng ba đứa con gái gằn giọng lại phản đối và nói rằng nếu chúng đã thuộc lòng nội dung trong trang nào rồi thì trang ấy có thể lấy ra ăn được, dù dĩ nhiên, cả bốn đứa sẽ gắng hết sức để không phải ăn thêm một trang nào nữa. Trong lúc lũ trẻ cãi vã, bà lão ngồi quan sát chúng, giờ bà không còn phấn khởi chút nào và cũng không còn hay cất giọng hát như mấy ngày đầu. Cô chị cả nghĩ rằng bà đang sợ sẽ phải chết đói nếu chúng rời đi, cô bé nhỏ tuổi nhất thì nghĩ bà vẫn còn đau khổ do bị dân làng bỏ lại đây một mình. Chỉ có cậu bé con là suy đoán rằng: vẻ u ám của bà lão có lẽ là triệu chứng của người ngoại tộc đã ăn phải cuốn niên giám không thuộc về mình.


Khi mặt trời sắp lặn, người chị cả hướng mắt về đường chân trời phía Bắc và tính toán chặng cuối cùng của chuyến đi. Cô quan sát và nhận thấy rằng: sắc xanh của trời trên đỉnh núi càng nhạt thì vùng đất dưới núi ấy càng khô cằn. Rồi cô cũng nhắc bản thân không được lung lay ý chí. Sự dễ chịu, thoải mái của căn nhà bằng lau sậy có sẵn nguồn nước uống này, bóng mát của những cây bông gòn,... cảm giác an toàn không được níu cô ở lại.


Bên bếp lửa, bà lão gù đang chuẩn bị một nồi canh hầm mới cùng các loại củ và rễ cây. Bà với cô chị cả lại gần rồi chỉ tay vào trong nồi, cô hiểu rằng bà muốn cô thả vào đó một trang sách nữa. Nhưng lần này, cô không đói bụng và đã khoẻ khoắn trở lại. Cô vẫn ghi nhớ lời người lớn dặn về ý nghĩa của những trang sách, và ý thức rằng còn một đoạn đường nữa phải vượt qua. Vậy nên cô vờ như không hiểu bà lão đang nói gì. Ánh mắt bà lão nhìn cô liền thay đổi. Trên hành trình dài trước đó từ phía Nam, bọn trẻ đã gặp rất nhiều kiểu người; và không phải ai cũng giúp đỡ chúng một cách vô tư. Nhiều người từng yêu cầu bọn trẻ, kể cả cậu bé con, phải báo đáp họ, và trong những tình huống như thế, bọn trẻ phải đối phó vô cùng khéo léo. Đây là điều chúng cần học để sống sót trong kỷ nguyên sắp tới trên trái đất. Mọi bộ tộc đều căn dặn con cháu mình về kỷ nguyên sắp tới qua nhiều cái tên khác nhau; bộ tộc của lũ trẻ gọi nó là Tử-Nhãn Cẩu. Trong kỷ nguyên này, loài người, đặc biệt là dân ngoại xâm, sẽ trở nên ám ảnh với cảm giác đói khát và thôi thúc từ bản năng, gây ra đầy rẫy thảm kịch, diệt vong, hệt như những con chó hoang dại. Mỗi con người ra đời vào một thời điểm nhất định và phải sống tới khi thời đại của họ tự động dịch chuyển. Họ không có khả năng thay đổi thời đại của mình, mà chỉ có thể để ý những dấu vết, nhận ra những linh hồn báo hiệu, và nghe theo lời cảnh báo của những ai đi trước. Kỷ nguyên Tử-Nhãn Cẩu có tính đực, do vậy sẽ vô cùng hung ác và hèn hạ.


Người chị cả cẩn thận kéo từng đứa em ra nói chuyện riêng. Cô bảo rằng đã tới lúc lên đường rồi, chúng không nên để bà lão gù trì hoãn hành trình mà chúng cần hoàn thành nữa. Thế là khi hoàng hôn buông xuống, trời mát mẻ dần, nhân lúc đi đào rễ cây và tìm nhộng ăn, bọn trẻ đã tranh thủ đổ đầy nước vào trong các bình hồ lô. Cậu bé con cũng cắp theo người chiếc chăn sờn. Bà lão gù chỉ biết nhìn chúng với vẻ bất lực, ngón tay liên tục chỉ vào nồi canh đang sôi trên bếp than. Đột nhiên, cô bé lớn thứ nhì dừng chân lại. Có lẽ vì mấy ngày trước em vừa có kinh lần đầu tiên trong đời, nên tự dưng em muốn chứng tỏ với ba đứa còn lại, nhất là người chị cả, rằng mình không còn là trẻ con nữa.


“Mọi người đi trước đi,” em nói, “Em sẽ theo sau ngay thôi.”


Cô chị cả hết mực can ngăn em. “Đừng làm thế! Tất cả bọn mình phải đi cùng nhau.” Nhưng cô bé lớn thứ nhì không nghe lời chị. “Nếu vậy thì em cởi váy ra và đưa đây cho chị, để những trang sách còn được an toàn.” Con bé lại từ chối, lúc bấy giờ, nó đang khá tự tin vào bản thân mình. Bà lão mỉm cười, gật gù vẻ rất hài lòng và múc cho nó thêm một bát canh nữa.


Ba đứa trẻ còn lại tiếp tục lên đường. Sáng hôm sau, trong lúc hai đứa em còn đang ngủ, cô chị cả bí mật tìm về làng “Cái Miệng” vì lo cho những trang niên giám bị bỏ lại. Sau hàng bông gòn, bà lão gù đang nằm ngủ dưới bóng râm, còn cô bé kia thì không thấy bóng dáng đâu cả. Trong một khắc, cô chị cả tưởng rằng có thể con bé đã tự tìm đường mò theo ba người họ rồi đi lạc mất. Nhưng điều này khó xảy ra, vì bọn trẻ chỉ đi một mạch men theo bờ sông cạn. Cô lại gần một trong những căn nhà hoang ở xung quanh và ngó vào bên trong. Mọi đồ đạc trong căn nhà này, cả phía dưới hầm, nhìn giống như được sắp xếp để chuẩn bị cho một nghi lễ. Luồng gió lạnh thổi từ trong nhà phả ra ngoài, tới tận chỗ cửa vào nơi cô đứng, khiến thân thể cô khựng lại, run rẩy và toát mồ hôi. Trong đầu cô bắt đầu có suy nghĩ rằng: mình cần phải hành động thật nhanh chóng. Không nên nhìn vào bên trong nữa. Không nên đứng ở đây lâu hơn nữa.


Khoảnh khắc nóng nhất trong ngày đã đến. Một cơn gió bồn chồn cuộn tròn lớp bụi lên khỏi mặt đất, lay động lá trên những cành cây bông gòn. Người chị cả đứng trước cửa căn nhà làm nghi lễ nọ, không muốn nhìn vào trong nhưng cũng có linh cảm rằng mình cần phải chứng kiến. Những tán lá bông gòn kêu sột soạt trong gió; từng làn hơi nóng phồng lên khỏi mặt đất của ngôi làng hoang, kéo cô vào cảm giác lâng lâng như mê ngủ. Cô nhận ra rằng nếu không di chuyển ngay tức thì, cơ thể cô sẽ sớm bị tê liệt. Nỗi sợ khiến cô choàng tỉnh và đẩy cô về phía trước, vào trong không khí lạnh lẽo của gian phòng nghi lễ tù mù. Hơi nóng phồng lên từ mặt đất khô cằn luôn canh gác ngôi làng này khi bà lão ngủ. Nó đã trở thành đồng minh của bà.


Không ai quay về làng “Cái Miệng" trong nhiều năm liền, và mãi về sau, những người từng sống ở đó vẫn gặp rất nhiều tai ương. Bi kịch của họ đến từ nghi lễ diễn ra trong căn nhà hoang mà cô chị cả đã nhìn thấy, và cũng là dấu vết tai tiếng của kỷ nguyên Tử-Nhãn Cẩu - khi ấy đã thống trị vạn vật được năm trăm năm.


Cô chị cả đã chứng kiến những thứ treo trên xà ngang của mái nhà. Quyết định không dừng lại, cô gắng tìm cho ra những trang niên giám; cô hy vọng rằng bà lão gù vẫn chưa nấu thêm trang sách nào do bận ăn trước quả tim hoặc lá gan - những thứ thường được coi là phần ngon hơn. Đúng như cô dự đoán, những trang sách vẫn còn y nguyên, liền trong chiếc váy của cô bé lớn thứ nhì. Cô chị cả trùm váy lên người và bước ra ngoài. Cô nhớ lại lời người lớn dạy, rằng quyển niên giám mang trong mình nhiều sức mạnh - năng lượng vật chất và tâm linh - sẽ chỉ đường cho những đứa trẻ và làm chúng trở nên cứng cáp.


Già Yoeme ngưng lại, nhìn sâu vào mắt hai đứa cháu gái hồi lâu. “Các con thấy không, quyển niên giám đã cứu mạng lũ trẻ. Trong đêm đầu tiên ở ngôi làng, khi chúng còn đang yếu mềm vì vượt đường xa và đói bụng, nếu như người chị cả không hy sinh một trang sách từ quyển niên giám thì bà lão gù kia đã giết cả bốn đứa rồi.


Ban đầu, bà lão này không phải là người như vậy. Nhưng rồi bà ta đã trở thành kẻ bị tất cả bỏ lại phía sau. Những kẻ như bà ta chính là dấu vết của kỷ nguyên Tử-Nhãn Cẩu. Chừng nào chúng ta còn sống trong kỷ nguyên này, những câu chuyện tương tự sẽ còn tiếp diễn. Và trong kỷ nguyên này, tất cả chúng ta đều có thể trở thành người đàn bà gù ấy.”



Dịch giả giới thiệu tác giả:

Leslie Marmon Silko (sn 1948) là nhà văn và nhà thơ người Laguna (Laguna Pueblo). Bà là một trong những tên tuổi quan trọng nhất của nền văn học, nghệ thuật và văn hoá bản địa ở châu Mỹ.

Người thầy lớn nhất trong cuộc đời Uyên đã khiến cậu bắt đầu đọc Niên Giám của Người Chết (Almanac of the Dead). Bà từng nói rằng: “Cô muốn các em hiểu vì sao có những người viết lịch sử, còn những người khác thì phải viết tiểu thuyết.”